Đại đồng:
Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đồng: cùng chung.
Đại đồng là cả thế giới chung một nhà, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc.
Xã hội đại đồng là một xã hội trong đó khắp mọi nơi đều hòa bình, an lạc, mọi người đều bình đẳng, không còn phân biệt chủng tộc, quốc gia, xem nhau như anh em một nhà.
Đó là một xã hội thái bình an lạc lý tưởng, là đời Thượng nguơn Thánh đức, mà nhơn loại đều mong ước.
Trong Kinh Lễ, Đức Khổng Tử nói về xã hội đại đồng như sau:
"Ở thời đại đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, người ta chọn kẻ hiền năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa. Cho nên, người ta không chỉ thương kính riêng cha mẹ mình, không riêng yêu con mình. Kẻ già được nuôi dưỡng trọn đời, người trẻ được sử dụng, trẻ con được săn sóc đến trưởng thành, người ta thương kẻ góa, con côi, người già cô độc, người tàn tật được châu cấp, con trai có chức phận, con gái có chồng con. Người ta ghét thấy của cải bỏ phí trên đất mà lượm lên, chứ không chủ ý giấu giếm trong mình, ghét sự không dùng sức mình (tức không chịu ngồi không) nên làm việc chứ không chủ ý lo lợi riêng cho mình. Vì vậy mà cơ mưu phải bế tắc, kẻ trộm cắp, người làm loạn làm giặc không nổi lên, cho nên cửa ngõ không cần đóng. Đó là thời đại đồng.
Nay đại đạo đã bỏ, người ta lấy thiên hạ làm của riêng, ai nấy đều riêng thân cha mẹ mình, đều riêng yêu con mình, cho của cải và sức lực là riêng của mình, vua quan thì cha truyền con nối, quốc gia thì lấy thành quách hào trì mà giữ vững, lấy lễ nghĩa làm kỷ cương, làm cho chính cái nghĩa vua tôi, hậu cái tình cha con, thuận cái tình anh em, hòa cái đạo vợ chồng, đặt chế độ, lập điền lý, tôn trọng kẻ trí dũng, lập công khởi sự riêng cho mình. Cho nên, sự dùng mưu chước mới sanh ra việc chiến tranh do đó khởi lên.
Vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Võ, Thành Vương, Chu Công, bởi đó mà được chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy chưa từng không cẩn thận ở lễ. Lễ là để làm cho rõ cái nghĩa, thành điều tín, rõ người có lỗi, lấy nhân làm phép, giảng điều tôn nhượng, bảo dân theo phép thường. Nhưng có ai không theo những điều ấy, thì dẫu có thế vị, chúng nhân cho là họa ác, bắt tội mà truất bỏ đi. Ấy là đời Tiểu khang."
Như vậy, theo ý của Đức Khổng Tử, thời Tam Vương: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Châu, không phải là thời đại đồng, mà chỉ là thời Tiểu khang; còn thời Ngũ Đế: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế, Nghiêu, Thuấn mới thật là thời Đại đồng.
Từ xưa cho tới nay, đã có nhiều nhà đạo đức, nhiều triết gia, nêu ra nhiều học thuyết để thực hiện đưa đến một thế giới Đại đồng, nhưng tất cả đều không đạt được, vì con người còn có lòng tham lam ích kỷ. Chính cái tham lam ích kỷ đó khiến con người có nhiều dục vọng, nên gây ra biết bao nhiêu tai họa cho loài người.
Muốn tiến tới xã hội đại đồng thì phải có những con người hoàn toàn mới (Tân dân) có hai phẩm chất căn bản là: Bác ái và Công bình.
Bác ái là thương người thương khắp chúng sanh, luôn luôn muốn giúp đỡ chúng sanh, xem nhau như anh em một nhà, vì tất cả đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.
Công bình là nguyên tắc căn bản từ ngàn xưa để lại là: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", nghĩa là: Điều nào mình không muốn thì đừng làm cho người.
Chỉ có Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, với quyền pháp tuyệt đối của Ngài, mới có thể thực hiện cho loài người một xã hội đại đồng.
Trước nhứt, Đức Chí Tôn mở ĐĐTKPĐ với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ chi, để thống nhứt tín ngưỡng của nhơn loại, đồng nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ Chung thiêng liêng của toàn nhơn loại.
Đức Chí Tôn lập ra một trường thi công quả để tuyển lựa những người đầy đủ bác ái và công bình, đúng theo Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước. Những người nầy sẽ được Đức Di-Lạc Vương Phật chấm đậu và cho tham dự Đại Hội Long Hoa.
Những người không đủ bác ái và công bình thì bị rớt, tức là thể xác của họ bị tiêu diệt và linh hồn của họ phải chờ đợi một thời gian dài để sau đó nhập vào một chu trình tiến hóa mới sau Đại Hội Long Hoa.
Chừng đó, trên thế giới chỉ còn lại những người bác ái và công bình. Đó là những Tân dân có đầy đủ đức tánh để thành lập một xã hội đại đồng đúng nghĩa.
Chính đó cũng là đời Thượng nguơn Thánh đức, khởi đầu một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên Thượng nguơn của Đệ tứ Chuyển trên quả địa cầu 68 nầy.
KTP:
|
Muốn cho thiên hạ đại đồng,
Lấy câu Cứu Khổ dụ lòng thương sanh. |
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
KTP: Kinh Thuyết Pháp.
KTP: Kinh Thuyết Pháp.
Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp,
Trả lờiXóaLòng nương nhang khói tiếp truyền ra.
Mùi hương lư ngọc bay xa,
Kỉnh thành cầu nguyện tiên gia chứng lòng....
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.