Côn trùng được ví như những“bông hoa biết bay”vì chúng thường có đôi cánh và cơ thể với màu sắc sặc sỡ. Trong tự nhiên đây là nhóm động vật có số lượng loài nhiều nhất trên trái đất.
Ve sầu bụng đỏ Huechys sanguinea.
Khi ông mặt trời còn chưa thức giấc, ấu trùng của loài ve sầu bụng đỏ đả chui ra khỏi lớp thảm mục thực vật để hóa vũ biến mình thành một thiên thần rực rỡ của núi rừng – với đôi cánh trắng muốt, mỏng manh và thân mình đỏ rực. Nó đón chào một ngày mới và một mùa khô mới, để tìm kiếm bạn tình và giao phối, để cho đời sau hữu thụ. Ánh mặt trời thiêu đốt ở vùng núi Bà Đen chẳng mấy chốc sẽ giúp chúng chuyển thân mình từ màu đỏ rực rỡ thành màu đen đỏ để hấp dẫn, đôi cánh trắng muốt cũng biến thành một màu đen tuyền để hấp dẫn bạn tình hơn.
Bọ ngựa cánh xanh Creobroter germmata Bọ ngựa cánh xanh Creobroter germmata. Mặt cánh trên của loài bọ ngựa này có màu nâu với hai đốm mắt màu vàng viền đen rất rõ. Lớp cánh trong của chúng giống như một tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa mà khó có thể có hoạ sĩ nào tưởng tượng và vẽ ra nổi. Loài này phân bố ở Phú Thọ, sống ở độ cao trên 1.000m và thường xuất hiện vào cuối mùa mưa hằng năm.
Mặc dù là một trong những kiệt tác của tự nhiên nhưng đây cũng là sát thủ số một của các loài côn trùng khác. Bọ ngựa cánh xanh cái có thể ăn thịt ngay cả người tình của mình sau khi bữa tiệc tình yêu mặn nồng kết thúc.
Ve sầu vòi voi cánh vàng Pyrops caldelaria Chúng xuất hiện khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi và khi bóng đêm bao trùm khắp các cánh rừng thường xanh, Đây là loài có khả năng bật nhảy rất nhanh nên rất khó bắt cũng như khó có cơ hội chụp hình được khoảnh khắc nó bắt đầu xoè đôi cánh lung linh sắc màu vụt bay. Loài ve sầu vòi voi cánh vàng sống ở khu vực Bình Phước.
Ve sầu bụng vàng Aphaena sp. sống ở Đồng Nai. Loài côn trùng này yêu thích những cơn nắng đổ lửa của mùa khô, khi ngay cả các loài thực vật thường xanh cũng thiếu nước. Khoảng thời gian hưởng thụ ánh mặt trời nóng bức 35-45 ngày giúp nó hoàn thành thiên chức làm mẹ. Mặc dù thời gian hoá vũ ngắn ngủi nhưng nó đã làm đẹp cho đời, cho người, cho thiên nhiên hoang dã Việt Nam của chúng ta.
Ve sầu bụng đỏ Penthicodes variegata Sự tương phản về sắc màu đen, đỏ, trắng, vàng làm nổi bật lớp cánh bên trong so với vẻ xù xì, đen đúa của lớp cánh bên ngoài. Loài ve sầu bụng đỏ là một bông hoa biết bay nhiều sắc màu nhất nhì trong tự nhiên. Bạn đừng hy vọng dùng tay để bắt thứ nó, vì đôi mắt tinh nhanh của nó ghi nhận được những chuyển động nhỏ nhất ở môi trường xung quanh. Ưu điểm này khiến chúng có cả năng trốn thoát kẻ thù tự nhiên rất ngoạn mục trong môi trường đầy ắp những rủi ro. Chúng sống ở khu vực Đồng Nai.
Ve sầu cánh lam Polydictya sp. ở Đồng Nai. Đặc điểm loài này là di chuyển rất chậm chạp và dễ bị bắt vì loài ve sầu cánh lam thường tụ tập thành bầy 6-10 con trong những phần lồi ra của những cây họ Dầu Dipterocapsceae trong rừng mưa.
Ban ngày chúng thường bò lên ngọn những cây dầu con rái Dipterocarpus alatus cao chót vót và cùng nhau đồng ca bản nhạc tình yêu – hoà cùng tiếng gió, tiếng lá rơi xào xạc làm vang cả một góc rừng. Chỉ khi ông mặt trời bắt đầu đi ngủ nó lại tụ tập thành nhóm nhỏ cùng nhau lặng lẽ chìm vào giấc nồng để sẽ có một ngày mai mệt nhoài ca hát. Tiếng rít liên hồi của chúng chỉ có thể êm tai người bạn tình đâu đó trong khu rừng đầy ắp âm thanh.
Vòi voi cánh đốm Pyrops spinolae Không sặc sỡ sắc màu, không những nét chấm phá, không tụ tập bầy đàn nhưng đôi tiếng gọi của bạn tình khiến chúng gần nhau hơn. Loài ve sầu vòi voi cánh đốm bên nhau trên một gốc cây mục già nua, bạc phếch trơ gan cùng tuế nguyệt đã tạo dựng thành một bức ảnh tình yêu đầy chất lãng mạn. Loài này thường sống ở Đồng Nai.
Bướm đêm lộng lẫy Erasmia pulchera Loài này thường xuất hiện vào ban đêm và được xếp vào nhóm bướm đêm vì phân biệt với bướm ngày, ở vùng râu atten của chúng không có chùy. Tên gọi của loài này đã nói lên tất cả vẻ đẹp lộng lẫy mê hồn của nó bởi cách bố trí màu sắc trên mặt trên cánh. Loài này rất hiếm gặp vì chúng sống ở các vùng có độ cao trên 1. 200m và ban ngày thường nấp bên dưới lá cây. Đôi khi cũng có cơ hội gặp loài này ban ngày khi chúng tham gia vào bữa tiệc mật hoa trên các cây đang mùa nở hoa ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cùng các loài bướm khác.
Bướm đêm cánh tròn Cyclosia papilionaris ở Tây Ninh. Loài bướm đêm giả bướm ngày này thường xuất hiện vào sáng sớm khi mặt trời con ngái ngủ. Chúng thường thưởng thức bữa sáng bằng cách hút mật hoa của một số loài cây: Cỏ hôi Ageratum conyzoides, Cỏ lào Chromolaena odorata… Mặc dù chỉ có 2 màu trắng và đen làm chủ đạo nhưng các viền cánh màu xanh ngọc bích cũng tạo một vẻ đẹp hút hồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét