Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Nghề gỡ tóc ra tiền

Nghề gỡ tóc ra tiền

Giữa trưa hè oi ả, những người phụ nữ ở Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) vẫn tỉ mẩn dùng chiếc kim nhỏ dàn cuộn tóc bết đất rồi gỡ tung nó ra. Họ gội tóc lại, chải qua bàn chông rồi cuộn thành những lọn đều tăm tắp để xuất khẩu.

>> Tìm thấy 1 thi thể trong vụ sạt lở mỏ phế thải ở Thái Nguyên
>> Học sinh bỏ học tham gia đào đãi vàng trái phép

Từ lâu, Đông Thọ đã nổi tiếng với nghề "đổi tóc rối lấy kẹo". Hiện nay, nghề này tập trung ở hai thôn Bình An và Đông Bích. Chỉ tính riêng thôn Bình An đã có hơn 10 xưởng sản xuất lớn, mỗi xưởng có từ 10 đến 15 công nhân làm việc gỡ tóc.
Ông Đỗ Văn Thụ - chủ một cơ sở thu mua tóc cho biết: "Nhà tôi sang cả Lào, Campuchia, vào Sài Gòn để thu mua tóc. Sau đó, chúng tôi thuê người gỡ tóc rồi buộc tóc thành lọn. Mỗi tháng, chúng tôi có thể xuất khẩu sang Trung Quốc từ 6 đến 7 tấn".
Người Đông Thọ mua tất cả các loại tóc dài, tóc ngắn, tóc nối, tóc rối, tóc bạc. Bây giờ, cái "vóc con người" ngày càng hiếm nên họ còn mua cả những mớ tóc rụng, tóc nam giới ở các quán gội đầu về.
Chị Tân - một người thu mua tóc nhỏ lẻ nói: "Tôi thường đi vào các tiệm gội đầu mua tóc rối về gỡ. Tuy rằng loại tóc này bẩn, không cùng kích cỡ nhưng chỉ cần mua được 2 lạng vẫn lãi hơn cả yến tóc nam. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi cũng mua tóc nam để bù lấy ít tiền xăng".
Tóc mua về để lâu ngày sẽ bị vón thành cục khô cứng nên cần gỡ tóc cho tơi thành sợi. Sau khâu này, họ quét tóc vào bàn chông cho đến khi tóc ngập kín răng cưa. Người ta còn dùng cả những chiếc lược lớn (loại làm bằng gỗ với răng cưa là sắt) để cố định tóc.
"Tưởng là nhẹ nhàng nhưng để rút hết tóc từ bàn chông cũng mệt lắm. Chỉ riêng khâu này đã mất cả tiếng rồi. Sau khi rút xong còn phải quét lại vài lần nữa để tóc có độ dài bằng nhau", chị Nguyễn Thị Thủy (36 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) nói.
Như những "nghệ nhân" thực thụ, chị Thủy khéo léo chải tóc cho suôn, vuốt cho có độ dài bằng nhau rồi lấy dây buộc thành lọn. Mỗi lọn tóc này cỡ 2 lạng, có giá không dưới nửa triệu đồng.
"Mỗi ngày tôi làm từ 7h sáng đến 16h30 được trả 100.000 đồng và một bữa trưa. Thu nhập không cao nhưng được cái chúng tôi luôn có việc quanh năm để làm", chị Sinh (45 tuổi) cho biết.
Mặc dù hiện nay nền kinh tế trầm lắng nhưng người Đông Thọ vẫn ăn nên làm ra. Lúc nào cũng có vài đầu mối người Trung Quốc chầu trực tại đây gom hàng. Theo ông Asinh (Hồ Nam, Trung Quốc) thì tóc Việt Nam đẹp nhất thế giới vì còn nguyên bản, đen, mượt, sợi to, chắc. Nhờ vậy, họ có thể can thiệp hóa chất nhiều mà không sợ sợi mảnh đi.
Ông Đỗ Văn Kiên - trưởng thôn Bình An cho biết: "Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề tóc rất phát triển ở quê tôi. Bây giờ có đến quá nửa hộ dân Bình An đi mua lẻ, hơn 10 xưởng sản xuất lớn. Nhờ có nghề này mà đời sống bà con khấm khá lên hẳn".
Phan Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét