Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Chợ nổi miền Tây Nam Bộ

Chợ nổi miền Tây Nam Bộ

Gọi là “chợ nổi” vì chợ miền Tây Nam Bộ họp ở trên sông. Giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ tụ tập về họp chợ. Chợ họp suốt cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là vào sáng sớm. Thuyền ghe tấp nập đi lại, luồn lách trên mặt nước. Tiếng chào mời mua bán, tiếng cười nói gọi nhau, tiếng máy nổ… xôn xao cả một vùng sông nước.
Gọi là “chợ nổi” vì chợ miền Tây Nam Bộ họp ở trên sông. Giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ tụ tập về họp chợ. Chợ họp suốt cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là vào sáng sớm. Thuyền ghe tấp nập đi lại, luồn lách trên mặt nước. Tiếng chào mời mua bán, tiếng cười nói gọi nhau, tiếng máy nổ… xôn xao cả một vùng sông nước.
Nơi mũi thuyền thường có cây sào treo lủng lẳng các sản vật, người ta gọi là “cây bẹo”, vì thế cứ nhìn cây bẹo là biết chủ thuyền bán thứ gì. Cái thẳng cái nghiêng, cái cao cái thấp - những cây bẹo trông rất lộn xộn, hoang sơ nhưng thật vui mắt và hấp dẫn. Đúng là một hình thức tiếp thị không giống ai.



Hàng trăm chiếc ghe xuồng từ khắp nơi tụ về họp chợ chuyên chở chủ yếu vẫn là trái cây -
sản vật đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ.



Tại chợ nổi, bạn sẽ thấy tất cả các loại trái cây tươi ngon nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giữa một vùng sông nước bao la, hàng trăm ghe xuồng tấp nập.
Trên thuyền chất đầy hàng hóa, nhiều nhất là trái cây, mùa nào thức nấy: chôm chôm, xoài, quýt, bưởi, dưa hấu, củ đậu, măng cụt, sầu riêng… hoặc sản vật của vùng sông nước kênh rạch như: cá, rùa, rắn, cua, tôm, chim đồng, bông súng, rau tươi… Người mua kẻ bán thường trao đổi giá cả rất nhanh, không có cảnh cò kè bớt một thêm hai, bởi họ thường là hiểu nhau, rành rẽ về chất lượng và giá cả. Đa phần người bán là nông dân, họ bán sản vật do mình làm ra, thật thà, không nói thách, có chút tiền đủ mua vật tư nông nghiệp và vài món đồ cần dùng là được. Ngoài ra, những chiếc ghe nhỏ với đủ loại dịch vụ ăn uống, cắt tóc, may vá… đáp ứng mọi nhu cầu đời sống cứ len lỏi giữa đám thuyền buôn càng làm cho chợ nổi thêm sinh động và đậm đà bản sắc địa phương.
Miền Tây Nam Bộ có các chợ nổi từ lâu đời như Phụng Hiệp – Ngã Bẩy, Phong Điền, Cái Răng, Cái Bè…
Chợ Ngã Bảy, được hình thành từ năm 1915, là chợ nổi lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi hội tụ của bảy nhánh sông mang những tên mộc mạc: Cái Côn, Búng Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Dong. Từ chợ nổi, bạn có thể được cập bến để lên chợ rắn. Đến tham quan chợ rắn, bạn sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn kỳ thú và đương nhiên có thể chọn mua các loại rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà… tùy thích. Thường thì nông dân chở nông sản ra chợ bán gấp rồi về trong ngày, nhưng giới thương hồ, thương lái thường có khi ở lại ít hôm chờ cất xong chuyến hàng. Thuyền của họ thường lớn hơn, bởi đa phần cũng là nơi sinh sống của cả gia đình. Cũng có khi ghe thuyền từ nơi khác đi ngang qua, đậu lại chờ con nước, vì thế mặt sông Ngã Bảy luôn nhộn nhịp, tấp nập. Thuyền ghe đậu cặp sát nhau, vài người có “máu văn nghệ” liền rủ nhau mở cuộc nhậu trên mui, rồi đờn ca tài tử giải khuây. Trong buổi hoàng hôn trên sông hay giữa đêm trăng sáng, nghe khoan nhặt tiếng đờn ca, man mác buồn làn điệu Nam xuân, ngất ngư với men nồng rượu đế sẽ là kỷ niệm không thể nào quên về một vùng sông nước với tất cả sự giản dị mà hào sảng, hồn nhiên mà lãng mạn của những người dân miền Tây.
Bài: Thịnh Phát - Ảnh: Quang Minh, Kim Sơn, Thịnh Phát
__._,_.___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét