Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Thế Giới Muôn Loài.

Thứ bảy, ngày 05/05/2012, 17:03:54 GMT+7
Cún mẹ lập kỷ lục đẻ liền một lúc 15 con

Romy, một "cô" cún 3 tuổi đến từ nước Anh đã lập một kỷ lục khi sinh được 15 chú cún con. Em í đã mất tới... 12 giờ vật lộn để sinh ra 15 chú chó con, gồm 10 chó cái và 5 chó đực. Những chú chó con của Romy có cân nặng từ 275 đến 339g.


Romy đã sinh được 15 chú cún con cực đáng yêu.

Chủ nhân của Romy, Natasha White và Copping Alicia, sống tại Coventry, West Midlands cho biết, Romy thuộc giống chó săn Ailen. “Thành tích” của Romy khiến nhiều người rất bất ngờ bởi thông thường thì loài chó này chỉ sinh 7 đến 8 con một lứa.

Natasha cho biết: "Chúng tôi đã cho Romy siêu âm khi nó mang thai được bốn tuần và chúng tôi nghĩ chỉ nhìn thấy tám hoặc chín con chó nhỏ. Vì vậy, bạn không thể tưởng tượng được rằng, gia đình tôi đã bị sốc như thế nào khi Romy sinh nhiều đến thế."


Gia đình em í tỏ ra rất bất ngờ trước "thành tích" đặc biệt này.
Natasha nói thêm: "Đây là lứa con đầu tiên của Romy, dường như nó biết chính xác những gì nó phải làm. Romy đúng là một "bà mẹ" tuyệt vời. Chúng tôi sẽ rất khó khăn để đặt tên cho cả 15 con cún nhỏ. Tới nay, chúng đã được 11 ngày tuổi rồi và vẫn chưa mở mắt, nhìn chúng đáng yêu vô cùng."



Vấn đề "đau đầu" nhất của chủ nhân Romy là đặt tên cho 15 đứa con của em í.
Để “tặng thưởng” cho Romy, Natasha White và Copping Alicia đã lập hẳn một trang web riêng cho Romy và những đứa con của em í. 


Đáng yêu quá!


Những em cún này chưa mở mắt đâu các bạn ạ!
Tôm hùm khổng lồ mắc lưới tại Mỹ

Một con tôm hùm có khối lượng hơn 12 kg mắc vào lưới của ngư dân trong vùng biển của bang Maine tại Mỹ vào tuần trước. Elaine Jones, giám đốc giáo dục của Bộ Tài nguyên biển bang Maine, thông báo con tôm hùm có chiều dài khoảng 100 cm, Telegraph đưa tin.

Con tôm mắc vào lưới gần làng Cushing và được đưa tới công viên hải dương của bang Maine tại cảng West Boothbay.
Tôm hùm mắc vào lưới tại bang Maine, Mỹ có chiều dài tương đương chiều cao trung bình của trẻ ba tuổi. Ảnh: Telegraph.

“Cặp càng chiếm phần lớn trọng lượng của con tôm. Nó có thể làm gẫy tay con người”, bà Jones phát biểu.

Luật pháp của bang Maine cấm người dân giữ những con tôm hùm có chiều dài từ 13 cm trở lên (tính từ mắt tới đuôi). Giới chức quyết định thả nó xuống vùng biển gần cảng West Boothbay. Bà Jones cho hay, các nhà khoa học không thể tính toán chính xác tuổi của những con tôm có kích thước lớn như thế.

Sách Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận con tôm hùm lớn nhất thế giới từng bị bắt trong vùng biển thuộc tỉnh Nova Scotia, Canada vào năm 1977. Chiều dài của nó là 110 cm.

Cua "người rừng"

Cua “người rừng” sống ở vùng nước sâu gần biển Costa-Rica, trên càng là một vườn vi khuẩn, dùng để làm thực phẩm cho chính chúng.

Sở dĩ người ta gọi loài cua này là cua người rừng là vì nó thuộc nhóm cua lông lá xồm xoàm (giống như người rừng Yeti) có tên là Kiwa hirsuta, phát hiện năm 2006 tại đảo Phục sinh.

Ngay năm sau, các nhà khoa học Trường ĐH Oregon trong thời gian thăm dò địa chất đã vô tình phát hiện ra một thành viên thứ hai của họ này, đặt tên khoa học là Kiwa puravida. Từ thứ hai này trong ngôn ngữ của thổ dân da đỏ có nghĩa là “sự sống thực”. Các nhà nghiên cứu kinh ngạc thấy số cua khá lớn sống ngay gần cảng chính của Costa-Rica mà lâu nay chẳng ai biết đến.


Cua "Người rừng" Kiwa hirsuta. (Ảnh: ebaumsworld.com)

Việc nghiên cứu hoạt động sống của loài vật mới phát hiện này chỉ ra rằng, những sợi lông cứng, phủ kín đôi càng mang theo một số lớn vi khuẩn cộng sinh, đồng hóa năng lượng từ các chất khí vô cơ, hòa tan trong nước. Cua ta chỉ việc gỡ ra và chén đám vi khuẩn rất béo bở này, nhờ cái miệng trông chẳng khác gì chiếc lược. Kết quả phân tích các chất đồng vị và axit béo, có trong cơ thể cua chứng minh rằng vi khuẩn là món ăn chính của chúng.

Vi khuẩn sống trong những “trang trại” của cua Kiwa puravida là họ hàng gần gũi của các vi sinh vật sống trong nguồn nước lạnh hoặc miệng của các nguồn thuỷ nhiệt trên toàn thế giới.

Việc quan sát tập tính của cua cho thấy, nhờ chúng tích cực “múa may” liên tục đôi càng khổng lồ của mình nên bảo đảm thu hút được các chất dinh dưỡng làm thức ăn cho cả một quần thể vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu cho biết lần đầu tiên họ phát hiện ra cách kiếm ăn của cua vì họ thấy chúng không ngừng nhảy múa một các hết sức ngộ nghĩnh và độc đáo.

Cua Kiwa puravida không phải là loài duy nhất đi đâu cũng kè kè mang theo một trang trại cồng kềnh. Có hai loài giáp xác khác là cua Shinkaia crosnieri và tôm Rimicaris exoculata, sống gần những nguồn nước thủy nhiệt cũng sống nhờ những vi khuẩn bám lên thân của mình.

Theo các chuyên gia, phương pháp sống bằng cách chăn nuôi thực phẩm ngay trên cơ thể mình dường như không hiếm hoi lắm trong thế giới sinh vật. Có thể thiên nhiên đã hào phóng ban cho các loài giáp xác khả năng sinh sôi nảy nở trong những nguồn nước nóng cũng như nước lạnh ở dưới đáy sâu của đại dương.

Cá mập xơi cá mập

Cảnh tượng một con cá mập mèo nằm gọn trong miệng một con cá mập thảm được ghi hình tại vùng biển thuộc Australia.


Con cá mập thảm cố gắng nuốt xác cá mập mèo. Ảnh: National Geographic.

Daniela Ceccarelli và David Williamson, hai chuyên gia về hải dương làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Australia, ghi hình cảnh tượng con cá mập thảm nuốt cá mập mèo (còn gọi là cá mập tre vằn) khi khảo sát số lượng các loài cá gần đảo Great Keppel thuộc rạn san hô Great Barrier.

“Thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là một nửa cơ thể màu trắng của con cá mập mèo”, National Geographic dẫn lời Ceccarelli.

Nghĩ rằng phần trước của con cá mập mèo nằm dưới một rìa san hô, Ceccarelli bơi tới gần cái xác và thấy con cá mập thảm.

“Tôi thấy rõ đầu của con cá mập mèo nằm trong miệng con cá mập thảm. Con cá mập mèo không hề cử động vì nó đã chết”, Ceccarelli kể.


Đây là lần đầu tiên con người chụp được cảnh tượng cá mập thảm ăn thịt cá mập khác. Ảnh: National Geographic.

Kết quả phân tích thức ăn trong dạ dày cá mập thảm cho thấy chúng ăn những loài cá mập khác. Tuy nhiên, theo Ceccarelli, đây là lần đầu tiên con người có cơ hội ghi hình hành vi ăn thịt cá mập của cá mập thảm.

Kích thước cơ thể của cá mập thảm và cá mập mèo khá giống nhau. Chiều dài thân của chúng – tính từ đầu tới đuôi – đều vào khoảng từ 100 tới 125 cm. Phạm vi hoạt động của hai loài là khu vực xung quanh các rạn san hô dưới đáy biển ở phía tây Thái Bình Dương.

Cá mập mèo thường chui đầu vào những hố hoặc rìa san hô để ăn động vật không xương sống dưới đáy biển. Nếu rời khỏi nước, cá mập mèo có thể sống sót trong 12 giờ.

“Với thân hình dẹt và nhiều tua trên mặt, cá mập thảm thường nằm bất động trên đáy biển và hòa lẫn vào môi trường xung quanh để rình mồi. Khi con mồi tiềm năng bơi tới gần, nó tấn công với tốc độ nhanh như tia chớp”, Ceccarelli nói.

Do cá mập thảm là kẻ săn mồi thực dụng, chúng sẵn sàng bắt mọi loại con mồi mà chúng gặp, kể cả những con cá mập mèo có kích thước tương đương.

“Nếu có đủ thời gian, cá mập thảm có thể nuốt những con mồi to hơn chúng”, Ceccarelli khẳng định.
Yêu động vật (Theo Vietnamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét