Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Ðừng phạm luật khi mang thực phẩm, tiền, vào Mỹ

 

Ðừng phạm luật khi mang thực phẩm, tiền, vào Mỹ

image
 
LOS ANGELES (NV) - Người nhập cảnh vào Mỹ, kể cả công dân Mỹ trở về, nhất là những ngày trước và sau Tết, nên cẩn thận khi mang theo hàng hóa và tiền, nếu không muốn bị phạt, bị tịch thu, thậm chí bị giam giữ.
 
image
Mang hơn $10,000 khi ra hoặc vào Hoa Kỳ phải khai báo với quan thuế.
 
Ðó là thông điệp của Cơ Quan Quan Thuế Hoa Kỳ (US Customs and Border Protection-CBP) tại phi trường quốc tế Los Angeles gởi cho khách du lịch, tại cuộc họp báo hôm Thứ Năm.
 
“Lời khuyên của chúng tôi là mọi người nên khai báo rõ những gì mình mang vào nước Mỹ,” ông Paul Nguyễn, một “supervisor” của CBP tại phi trường, nói. “Chúng tôi chỉ thi hành luật, chúng tôi không có chủ trương làm khó bất cứ ai.”
 
Trên $10,000 phải khai báo
 
Theo CBP, bất cứ ai ra hoặc vào nước Mỹ nếu mang tiền, hoặc bất cứ gì có thể được coi là tiền, ví dụ như ngân phiếu, “money order,” ngoại tệ, tiền lì xì trong bao giấy đỏ..., tương đương hơn $10,000 đều phải khai báo tại trạm quan thuế phi trường.
 
image
Một số thực phẩm bị tịch thu tại phi trường Los Angeles.
 
“Theo quy định, tất cả mọi người phải khai báo khoản tiền này, khi ra hoặc vào nước Mỹ. Xin nhắc lại, chỉ khai báo nếu mang trên $10,000. Chúng tôi chỉ làm việc thống kê. Chúng tôi không giữ số tiền này. Cho dù mang bao nhiêu cũng không sao. Ðiều quan trọng duy nhất là phải khai báo với chúng tôi,” ông Paul Nguyễn cho biết.
Khi khai báo có mang hơn $10,000, khách du lịch sẽ phải điền mẫu đơn 105, có tên “Report of International Transportation of Currency or Nonetary Instruments,” do nhân viên quan thuế cung cấp.
 
image
Nhung nai cắt thành từng lát, mang từ Việt Nam sang, bị CBP tịch thu.
 
Ông Paul Nguyễn nói thêm: “Sau khi khai xong mẫu đơn 105, quý vị có thể đi với số tiền này. Chúng tôi không giữ gì cả. Nhiều người không hiểu, sợ bị tịch thu, nên không chịu khai báo. Chúng tôi từng thấy du khách mang $200,000 vào Mỹ để đi đánh bài. Họ cũng phải khai theo luật định và vẫn được giữ số tiền này.”
“Nếu không khai báo và bị phát giác, số tiền sẽ bị tịch thu, và du khách có thể bị bắt,” đại diện CBP khẳng định.
 
Một số thực phẩm cấm
 
Một số thực phẩm làm sẵn có thịt và trái cây hoàn toàn không được mang vào Hoa Kỳ, dưới bất cứ hình thức nào.
 
image
Ông Paul Nguyễn (giữa) và hai nhân viên quan thuế Mỹ với hai con chó đánh hơi thực phẩm.
 
Bà Lee Ann Harty, phát ngôn viên của CBP tại phi trường Los Angeles, giải thích: “Theo truyền thống, thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong dịp Tết Nguyên Ðán hoặc các dịp văn hóa truyền thống của người gốc Châu Á. Tuy nhiên, các loại thực phẩm có thịt heo, thịt vịt, thịt gà, trứng, tổ yến, nước súp, canh... và các loại trái cây, đều bị cấm ngặt tại các phi cảng.”
 
Tại buổi họp báo, CBP bày ra đủ thứ thực phẩm bị tịch thu, nào là bưởi, táo, rau, nhung nai, thịt khô, lạp xưởng... Ðặc biệt, có những bịch nhựa bên trong toàn là “kẹo,” nhưng nhân viên quan thuế cho biết đó thực ra là khô bò cắt thành miếng vuông!
Một trường hợp khác là một hộp giấy, bề ngoài cho thấy đựng nước trái cây, nhưng bên trong lại chứa thịt, theo nhân viên CBP. Cơ quan này còn trưng bày cả một dương vật của con nai, được phơi khô, bọc giấy kiếng, để trong hộp gỗ. Một bịch nhựa bên trong là một cặp nhung nai, trị giá cả ngàn đô la. Rồi một bịch nhựa nữa, bên trong là hàng trăm miếng nhung nai cắt mỏng, như những miếng cải khô, có dán miếng giấy với hàng chữ “Dear Horn from Vietnam ” (Sừng nai từ Việt Nam ).
 
Trên bàn cũng có một bịch “nấm,” có đề chữ bằng tiếng Hoa đàng hoàng, nhưng nhân viên quan thuế cho biết “nấm” này làm bằng thịt bò!
Ông Paul Nguyễn làm việc cho CBP hơn 10 năm và làm tại phi trường Los Angeles trong bảy năm qua, “nên hiểu khá rõ những gì du khách thường mang vào Mỹ, vào mùa nào hoặc vào dịp đặc biệt nào.”
“Tốt nhất là cứ khai báo. Ðừng bao giờ nghĩ là mình có thể 'qua mặt' quan thuế. Nếu vi phạm, thực phẩm bị tịch thu và người mang bị phạt $300,” ông Paul Nguyễn khuyên.
 
Cấm trái cây, rau, hạt, đất
 
Theo quy định của Bộ Nông Nghiệp, tất cả các loại trái cây, rau, hạt và đất đều bị cấm mang vào Hoa Kỳ vì có thể có một số vi khuẩn làm ảnh hưởng sức khỏe công cộng.
Ông Paul Nguyễn kể: “Mang trái cây và rau vào Mỹ hoàn toàn bị cấm tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nếu du khách mua một trái táo ở một phi trường ngoại quốc trước khi lên máy bay vào Mỹ rồi không ăn. CBP có tịch thu trái táo này hay không tùy theo du khách mua nó ở đâu và sau đó du khách đi đâu. Ðiều này rất quan trọng vì trái cây và rau tươi có thể mang sâu hoặc bệnh tật vào nước Mỹ.”
 
Theo tài liệu của CBP, hồi thập niên 1980, một số trái cây từ vùng Ðịa Trung Hải đem vào Mỹ, có mang theo một loại sâu, tạo ra nạn dịch ruồi tại California . Kỳ đó, tiểu bang và liên bang tốn khoảng $100 triệu để làm sạch loại sâu này. Sau này, giới chức y tế khám phá loại sâu này nằm trong trái cây do một du khách mang vào.
 
image
 
Ðể biết loại rau trái nào bị cấm, du khách nên vào trang web của Bộ Nông Nghiệp để tìm hiểu.
“Tốt nhất là không mang trái cây tươi và rau tươi vào Mỹ,” CBP đề nghị.
Trên bàn trưng bày “chiến lợi phẩm,” quan thuế Hoa Kỳ bày nhiều bịch hạt giống như rau muống, tía tô, ớt hiểm, quế lá to, bồ ngót, xà lách... Có cả những bịch nếp than, gạo lứt. Tất cả đều do Việt Nam sản xuất.
Về những loại hạt, nếu có giấy chứng nhận đã được kiểm nghiệm, du khách có thể mang vào Mỹ được, theo nhân viên quan thuế.
Dược phẩm cũng bị kiểm tra, có thể bị tịch thu
Tại buổi họp báo, nhân viên Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Thuốc (FDA) cũng trưng bày một số “chiến lợi phẩm” và giải thích loại thuốc nào được mang vào Mỹ và loại nào không.
Ông Dan Solis, giám đốc phụ trách nhập cảng của FDA tại phi trường Los Angeles , giải thích: “Những loại thuốc tán nhuyễn không được mang vào Mỹ, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, ví dụ cho người bị bệnh tiểu đường. Ðó là quy định của Bộ Y Tế. CBP sẽ tịch thu tất cả các loại thuốc cấm. Nếu bị phát hiện vi phạm, du khách có thể bị phạt và bị tù.”
Trong trường hợp phải sử dụng một số thuốc đặc biệt, phải có sự bảo đảm của bác sĩ, nhưng chỉ được trong thời hạn một năm, theo ông Solis.
“Nếu trên một năm, quý vị nên có sự bảo đảm của bác sĩ ở Mỹ,” ông nói tiếp.
“Những loại thuốc làm bằng thảo mộc không bị cấm, nếu không có bất cứ chất gì làm thay đổi bên trong cơ thể người sử dụng,” ông Larry Howell, phó giám đốc của FDA tại phi trường Los Angeles , nói thêm. “Ngoài ra, những loại thuốc không có nhãn, hoặc có màu không theo quy định của FDA, cũng bị cấm.”
Ông Howell khuyên du khách nên vào trang web của FDA để biết rõ loại thuốc nào bị cấm mang vào Mỹ trước khi đi du lịch.
Phương pháp kiểm tra
“Chúng tôi được Bộ Nông Nghiệp và FDA huấn luyện rất kỹ càng để 'khám phá' những loại thực phẩm bị cấm,” ông Paul Nguyễn nói. “Ngoài ra, chúng tôi cũng được huấn luyện về tâm lý để đoán biết ai mang đồ cấm hoặc không. Chúng tôi đôi khi cũng được tin của cơ quan tình báo cung cấp.”
Tại phi trường Los Angeles , CBP còn có bảy con chó được huấn luyện đặc biệt để ngửi mùi thực phẩm.
Cô Leticia Hale, chuyên viên nông nghiệp của CBP, nói: “Khi chó ngửi thấy mùi thực phẩm trong hành lý,  nó sẽ ngồi xuống cạnh du khách mang hành lý đó. Thế là chúng tôi biết phải làm gì kế tiếp.”
 
image
 
Cô cho biết thêm, phi trường này sử dụng chó đánh hơi thực phẩm lần đầu tiên năm 1984, và cũng là lần đầu tiên tại Mỹ, khi Los Angeles tổ chức Thế Vận Hội.
CBP ở phi trường này cũng có cả máy rà hành lý để tìm đồ vật bị cấm mang vào nước Mỹ.
Khi máy bay sắp đáp xuống, theo ông Paul Nguyễn, du khách được cấp một mẫu đơn, gọi là “Customs Declaration” (Tờ Khai Hải Quan) bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Việt, hoặc bằng ngôn ngữ nào đó, để khai báo.
“Chúng tôi luôn tạo cơ hội để du khách khai báo. Chúng tôi luôn hỏi 'quý vị có mang thứ gì cấm không' ít nhất ba lần trước khi quyết định mở hành lý bị nghi ngờ,” ông Paul Nguyễn chia sẻ. “Khi du khách nhất định không khai báo, đương nhiên là thực phẩm đó bị tịch thu và quý vị bị phạt.”
x
 

Những món ngon Sài Gòn - miền Tây

image 
 
(GDVN) - Mỗi một vùng miền trên cả nước đều có những món ăn mang nét đặc trưng riêng biệt thậm chí là thương hiệu riêng. Nếu như miền Bắc có mắm tôm, bánh cốm,... miền trung có cu-đơ, nem chua,... thì miền Nam có lẩu mắm, bánh giá... những món ăn dân dã mang đặc thù của một thời đi mở cõi...
image
Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang - loại lá có nhiều ở miền Nam và Trung, có vị chua chua, chát chát đặc trưng. Cá kèo nấu lẩu phải là những con cá còn tươi sống. Khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và cho cá vào. Khi cá không còn quẫy là cá đã chín, và ngay sau đó bạn có thể cho rau vào nồi lẩu. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối... Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.
image
Canh chua cá bông lau
Vàm Nao (huyện Phú Tân, An Giang) là khúc sông ngắn nối sông Tiền và sông Hậu, nằm ở địa phận giáp ranh giữa hai huyện Chợ Mới và Phú Tân. Nó không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp, về những huyền thoại “dưới sông sấu nhảy…” một thời mà còn nổi tiếng vì đặc sản cá bông lau, đệ nhất đặc sản của miền Tây. Cá bông lau không chỉ nổi tiếng về ngon mà còn về nguồn gốc bí hiểm của nó.
image
Canh gà lá giang
Canh nấu chua ở miền Bắc có quả sấu, còn miền Nam có lá giang hoặc lá me. Lá giang tạo vị chua cho món ăn, thường được dùng trong các món canh và lẩu. Vị chua chua của lá giang và vị ngọt của thịt gà ăn rất ngon trong những ngày trời nóng nực.
image
Bún nước kèn An Giang
Về miền Tây Nam bộ, du khách thích ăn bún có nhiều lựa chọn như món bún bì, bún chả giò, bún thịt nướng, bún cà ri, bún gỏi dà..., trong đó, món được nhiều người ưa thích nhất có lẽ là bún nước lèo của bà con Khmer. Những món này, có thể thưởng thức bất kỳ ở đâu khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng muốn ăn bún nước kèn thì phải đến Châu Đốc (An Giang) mới có.
image
Bánh giá chợ Giồng
Ở miệt Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang) người ta thường truyền miệng câu ca dao về bánh giá. Không biết có từ bao giờ, bánh giá Chợ Giồng đã có tiếng, được nhiều người ưa thích bởi hương vị đặc trưng của nó. Hiện nay ở nhiều nơi khác, người ta cũng học và biết cách làm bánh giá để ăn. Bánh mang vị béo của bột gạo hòa lẫn vị ngọt của tôm, giá sống, ăn cùng mắm ớt tỏi thật khoái khẩu.
image
Bò bía
Bò bía là món ăn dân dã, cách làm vô cùng đơn giản. Chỉ cần cuốn hỗn hợp củ sắn, tép khô, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, trứng trong một miếng bánh tráng mỏng là đã có một cuốn bò bía. Tương hột được chưng lên cho mềm nhừ, xay nhuyễn, thêm một chút ớt xay, một chút hành phi, đậu phụng là món chấm không thể thiếu món ăn này. Lần đầu ăn món này sẽ có nhiều người cảm thấy nhạt nhẽo nhưng càng ăn càng ghiền.
image
Cua đồng nấu canh tập tàng
Trong những ngày hè oi bức này, nếu dịp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bạn hãy thưởng thức món canh cua đồng nấu với rau tập tàng. Đây là món rất dễ làm, lại sẵn có trong thiên nhiên của miền quê sông nước. Rau tập tàng là những loại rau vườn như mùng tơi, rau dền...
image
Gỏi khô cá lóc
Nhưng với dân đồng bằng Nam bộ thứ thiệt thì không thể không biết đến vị hấp dẫn của khô cá lóc trộn gỏi. Đơn giản nhất là gỏi xoài, nhưng công phu cao hơn một bậc phải kể đến thứ gỏi vả trộn xoài với khô cá lóc.
image
Vịt nấu chao
Không phải cao lương mỹ vị, rất dân dã, mang đặc trưng Nam Bộ nhưng vịt nấu chao trở thành món khoái khẩu của nhiều người bởi hương vị thơm ngon rất riêng.
image
Lẩu mắm niền Tây
Mỗi khi xa quê, những người con đất của phương nam vẫn không thể quên được hương vị món ăn nơi quê nhà, trong đó món lẩu mắm được xem là một món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong những ngày mưa. Chính cái màu nâu đặc trưng của mắm, nước sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả, hương thơm phưng phức từ cá linh, cá sặt, vị ngọt từ thịt và các loại cá tươi… cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất miền Tây.
Ở Sài Gòn, lẩu mắm được xem là món ăn ngon, đặc trưng, được bán tại một số quán nằm trên đường Hồ Biểu Chánh, Ngô Thời Nhiệm, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long…
image
Nem nướng
Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó.
Đất Cần Thơ là một ví dụ mà nổi bật là bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước đã nổi lên một đặc sản nem do chính tay người phụ nữ mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên.
Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xỏ xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong dĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, nhất là bánh hỏi Phong Điền thì không còn gì bằng.
image
Ốc gạo
Xã Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc gạo sinh sản nhiều ở lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn,…Đặc biệt hơn cả, ốc gạo Cồn Tre nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy, bởi vậy ốc rất ngon.
image
Bánh xèo Nam bộ
Nói đến những đặc sản của vùng đất phương nam có lẽ không thể không nhắc đến Bánh xèo Nam bộ. Bánh xèo Nam bộ được chế biến từ bột gạo, nước cốt dừa, tôm, thịt... đặc biệt hấp dẫn thực khách bằng cách thêm giá, củ sắn, bông điên điển, bông thiên lý hay bông so đũa... làm nhân bánh.
Một cái bánh xèo ngon thường phải to như chiếc đĩa lớn, bánh mỏng, vành bánh giòn và thành phần của nhân bánh trải đều, được nhìn thấy rõ trên thân bánh đã được gập đôi sau khi chiên.
Bánh xèo Nam bộ được ăn với gần 20 loại rau khác nhau. Có mặt thường xuyên nhất là rau diếp cá, rau húng, xà lách, cải xanh, cát lồi, đọt bứa, kim thất, lá vông, mã đề, tía tô, đọt xoài, đọt cách, đọt bằng lăng, lá lốt...
image
Bánh ống Sóc Trăng
Bánh ống là loại bánh dân dã của bà con người dân tộc Khmer. Tuy nó không phổ biến lắm nhưng đây cũng là loại bánh ăn chơi ngon, rẻ mà lớp trẻ con rất thích
Cái ống tre làm khuôn được cưa ngang một khúc dài cỡ 20cm. Ở giữa có que nhú lên gắn vào đồng xu cạo gió làm đáy khuôn. Ngày nay, ít ai xài bằng ống tre mà người ta chỉ làm bằng nhôm cho giản tiện. Đặt ống thẳng đứng trên nắp nồi, ở trong nồi có chứa nước. Bột gạo xay nát, tơi nhỏ và mịn trộn với đường, nước cốt dừa…
image
Bánh tráng cuốn sài gòn
Ở Sài Gòn, rất dễ tìm thấy một hàng ăn có món cuốn. Hình như người Sài Gòn sẵn sàng dùng món cuốn ở bất cứ thời gian nào trong ngày.
Chỉ một phần tư cái bánh tráng mỏng, trải ra trên một cái khay rộng, xếp lên lá rau diếp vài lá rau húng quế, húng cây, một gắp củ sắn xào, vài con tép riu xào đỏ thắm, một miếng lạp xưởng cuốn lại, chấm với tương ngọt điểm chút cay cay của tương ớt, cuốn nọ tiếp theo cuốn kia cứ kéo dài cùng với những tiếng cười râm ran vui vẻ. Đi trong lòng chợ, dễ dàng gặp một hàng gỏi cuốn. Chiếc cuốn trắng tinh, con tôm đỏ thắm với cọng hẹ ló ra ngộ nghĩnh. Cơm tấm bì dân dã, nhưng bì cuốn lại là một món cuốn ngon của người Sài Gòn.
image
Bò giá tréo
Bà con Khmer ở Sóc Trăng và một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tập quán nuôi bò trên đất cát giồng. Con bò vừa là tài sản vừa giúp ích cho nhà nông trong việc đồng áng, vận chuyển nông sản.
Người ta hạ một con bê (bò con vừa chớm sừng), cạo sạch lông, rồi treo lên hai cặp cây đóng tréo hình chữ X. Bên dưới là đống than hồng cháy đượm. Sức nóng làm da bò căng ra, thịt bên trong săn cứng…
Mâm bàn được dọn ra với chủ yếu là rau thơm, khế chua, chuối chát thái mỏng. Một dĩa chanh đã cắt ra thành miếng. Một thau bún ngon. Một tô đựng mắm nêm trộn với khóm, bằm chung với tỏi, ớt, đường, bột ngọt được pha chế vừa ăn. Trên bàn chỉ có chén nhưng không có đũa vì thực khách sẽ dùng tay để ăn.
image
Cơm tấm bì
Là một trong những đặc sản Nam bộ, cơm tấm bì chả đã trở thành bữa trưa vừa ngon vừa thú vị khi gói ghém được rất nhiều hương vị trong một: bì thịt heo, chả trứng, trứng ốp-la, đồ chua...
image
Bột chiên
Bột chiên là món ăn đơn giản có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam và là món ăn chơi quen thuộc ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minhcũng như một số nơi khác. Món bột chiên tại Việt Nam chủ yếu do người Việt gốc Hoa chế biến và bán nên không khác biệt nhiều so với nguyên gốc.
image
Đuông chiên giòn
Món ăn đặc sản quý hiếm ở Nam bộ mà ngày xưa được tiến về triều cho vua ngự lãm hàng năm gọi là con đuông. Có nhiều loại như: đuông dừa, đuông đủng đỉnh, đuông chà là và đuông măng.
Đuông mẹ có cánh, mỏ nhọn, hai cánh cứng như thép, có thể khoét thủng cả gỗ để vào đẻ trứng. Trứng đẻ thành ấu trùng, béo múp míp, trở thành thứ đặc sản “đệ nhất Nam bộ”.
Sau mùa giao hoan, đuông tìm một cây dừa đang sung sức, khoét ngọn vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng. Mẹ con nhà đuông bắt đầu chiến dịch công phá, chén củ hũ dừa thỏa thuê. Mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông rúc rỉa “tủy sống” của cây dừa. Đến khi cây dừa không còn sức sống đến chết thì người ta buộc phải đốn dừa bắt đuông. Bửa củ hũ ra, hàng trăm con ngọ nguậy, lăn tròn, đứng không nổi. Con nào đã mọc cánh thì không bắt.
image
Bánh tằm
Đây là món ăn dân dã, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, nhất là ở các vùng quê miền Nam , miền Tây. Hiện nay bánh tằm được bán rộng rãi ở Sài Gòn và trở thành món khoái khẩu của nhiều chị em phụ nữ.
Cách chế biến món này khá đơn giản. Củ khoai mì lột sạch vỏ, mài nhuyễn, vắt bỏ nước rồi đem trộn với đường, bột năng và nước cốt dừa, hương va ni. Nếu thích có nhiều màu thì phân thành từng phần để trộn với lá dứa (màu xanh) hoặc chất tạo màu. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào chiếc khuôn hình chữ nhật để hấp từ 20 – 30 phút. Chờ cho nguội, lấy bột trong khay ra sắt thành từng sợi bằng nửa ngón tay rồi đem trộn với cơm dừa nạo sợi. Bánh tằm dùng với muối mè (làm từ mè rang, đậu phộng, đường, muối) có vị ngọn, béo, mằn mặn và dai.
image
Cháo cá rau đắng
Miền Tây sông nước phù sa với rau xanh, cá tươi và món cháo cá lóc rau đắng được xem là món ăn dân dã, thơm ngon, và đậm hương vị quê hương.
Nguyên liệu nấu món cháo cá lóc rau đắng gồm cá lóc đồng làm sạch, lọc hết xương và ướp gia vị cho vừa ăn rồi mang hấp chín. Rau đắng là loại rau đắng đất, được mọc tự nhiên trong vườn nhà. Nấm rơm còn nụ tươi, hành ngò, gừng tươi cắt lát mỏng, tiêu, ớt, chanh, giá… Đặc biệt món cháo cá miền Tây này còn để thêm tương ngọt và lạc rang giã nhỏ cho có nhiều vị thơm ngon.
image
Hủ tíu
Hủ tíu là đặc sản của người miền Nam mà khi nhắc đến có lẽ ai ai cũng biết.
Đó là sợi bánh bằng bột gạo, gần giống bánh phở, song hủ tíu khác cơ bản ở chỗ sợi bánh thường được sấy khô, lúc chuẩn bị ăn mới trụng nước sôi và chần mỡ hành phi cho mềm-thơm-bùi-béo.
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ bánh hủ tiếu với nước dùng, rồi cho các nguyên liệu phụ vào như giá đỗ, hẹ, thịt bằm cùng lòng lợn vào. Có thể ăn với thịt bò viên và tương ớt, tương đen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét